KON TUM TĂNG SỨC HÚT TỪ DU LỊCH CỘNG ĐỒNG
Thời gian qua, Kon Tum đã và đang tích cực tạo sức hút, gia tăng trải nghiệm cho du khách bằng việc phát triển du lịch cộng đồng. Loại hình này được kỳ vọng sẽ là một trong những trụ cột để đưa nền du lịch Kon Tum cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch cộng đồng – Hướng đi bền vững của Kon Tum
Từ lâu, du lịch cộng đồng đã được chú trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc điểm của loại hình này là người dân bản địa sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng và quản lý du lịch trên cơ sở khai thác những nét đặc sắc về văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên… của địa phương. Tức là, người dân sẽ mời du khách đến cộng đồng của mình, cung cấp chỗ ở và giúp du khách khám phá văn hóa và các giá trị truyền thống.
Nhờ mang đến những giá trị trải nghiệm “độc nhất vô nhị”, du lịch cộng đồng là trào lưu rất được du khách ưa chuộng. Một khảo sát của tổ chức AC Nielsen trước khi xảy ra đại dịch Covid cho thấy: 65% số khách du lịch muốn trải nghiệm văn hóa và di sản của địa phương; sau Covid, con số này tăng lên 75%. Các chuyên gia trong ngành dự đoán, du lịch cộng đồng sẽ tiếp tục là xu hướng nổi bật trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, các địa phương tiên phong phát triển du lịch cộng đồng tiêu biểu có thể kể đến như tỉnh Lào Cai với các địa điểm du lịch cộng đồng như bản Cát Cát, bản Dền, bản Hồ ở Sa Pa, Sơn La với cao nguyên Mộc Châu, Hòa Bình với bản Lát, TP Đà Nẵng với làng chài Nam Ô, Quảng Nam với Hội An… Và tỉnh Kon Tum – với đặc trưng du lịch gắn liền với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ do đặc thù về mặt tự nhiên và mang đậm dấu ấn văn hóa của các dân tộc bản xứ – cũng đang đi theo xu thế phát triển du lịch bền vững này.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa, ẩm thực, trải nghiệm văn hóa bản địa, đề cao sự an toàn là các sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh chung sống cùng dịch bệnh Covid-19. Đây chính là thế mạnh mà Kon Tum hiện có để xây dựng và phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật, đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững.

Nhiều dư địa để khai thác
Đúng như slogan du lịch của tỉnh: “Trải nghiệm văn hóa – Khám phá thiên nhiên”, Kon Tum là vùng đất được ưu đãi về cả cảnh quan và giá trị văn hóa.
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hữu tình, từ sông, suối, hồ, thác cho đến các cánh rừng thông nguyên sinh, núi Ngọc Linh – nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm trong đó có sâm Ngọc Linh; có ngã ba Đông Dương Việt Nam – Lào – Campuchia; khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen – được mệnh danh thiên đường sinh thái với không khí trong lành, quanh năm mát mẻ…
Kon Tum cũng là vùng đất lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo khi là nơi sinh sống của hơn 28 dân tộc anh em, đặc biệt là dân tộc Ba Na – một trong những dân tộc thiểu số đông dân cư nhất tại Tây Nguyên. Tận dụng thế mạnh này, thời gian qua tỉnh đã xây dựng nhiều điểm du lịch văn hóa cộng đồng và bước đầu gặt hái được một số thành công đáng ghi nhận như Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (huyện Kon Plông); Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Kon Kơ Lor, Điểm du lịch A Biu (Thành phố Kon Tum); Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà).

Được biết, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, Kon Tum gần đây đã tích cực làm mới “ngành công nghiệp không khói” bằng các sản phẩm độc đáo, đánh vào thị hiếu du khách như tour caravan khám phá Khu bảo tồn thiên nhiên Sâm Ngọc Linh, tour dù lượn, trekking đồi núi… Điều này đã làm cho du lịch Kon Tum không chỉ hấp dẫn đối với các đoàn khách tour trong và ngoài nước mà còn thu hút một bộ phận người trẻ Việt Nam – vốn được coi là thế hệ giàu tiềm năng du lịch nhất – bởi lẽ đây là đối tượng rất thích đi chơi và khám phá những điều mới mẻ, sẵn sàng chi “mạnh tay” cho những trải nghiệm mới. Đặc biệt, trong bối cảnh Đà Lạt đã dần trở nên “quen thuộc” và thường xuyên ở trong tình trạng quá tải, việc chuyển sang các địa phương lân cận như Đăk Nông, Kon Tum cũng được cho là lẽ tất yếu.

Mặc dù vậy, quy mô du lịch Kon Tum vẫn còn rất khiêm tốn. Đúng như nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn Du lịch Kon Tum được tổ chức vào tháng 4/2022 vừa qua: Trên hành trình phát triển du lịch, Kon Tum được coi là “người đi sau”. Tuy nhiên, việc đi sau cũng mang đến lợi thế học hỏi và rút ra các bài học để tỉnh chủ động bắt nhịp, đón đầu xu hướng du lịch hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh Kon Tum đang là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế chung của ngành du lịch thế giới. Nhờ du lịch cộng đồng, thu nhập của người dân được nâng cao không chỉ qua cơ hội việc làm chuyên nghiệp như đưa đón khách đi tham quan, cho thuê nhà ở, làm hướng dẫn viên cho du khách, mà còn cả từ những hoạt động bên lề như tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra, bán các loại đồ lưu niệm từ thổ cẩm, đan lát…

Song hành với phát triển du lịch, tỉnh Kon Tum hiện đang tích cực thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông; đa dạng các khu nghỉ dưỡng, lưu trú. Vừa qua, tỉnh Kon Tum đã thông qua kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm; đến năm 2030, tăng gấp 2 lần về lượng khách.