VÌ SAO DÒNG TIỀN BẤT ĐỘNG SẢN ĐỔ VỀ “VÙNG TRŨNG” TÂY NGUYÊN?
“Nước chảy về vùng trũng” là xu hướng tất yếu của thị trường bất động sản (BĐS). Nơi nào có quỹ đất rộng, giá còn rẻ và giàu tiềm năng thì nơi đó sẽ thu hút mạnh dòng vốn đầu tư. Đó là lý do mà thị trường BĐS Tây Nguyên liên tục hút khách trong thời gian qua.
Xu hướng săn tìm BĐS “vùng trũng” Tây Nguyên
Báo cáo thị trường quý 1/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy sự tăng mạnh về mức độ quan tâm đất nền và đất dự án ở nhiều tỉnh thành. Trong đó, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng là 3 khu vực có mức tăng mạnh nhất, lần lượt là 41%, 35% và 32%. Có thể thấy, bên cạnh các tỉnh thành ven biển vốn đã nổi danh trên bản đồ BĐS Việt Nam, Lâm Đồng nói riêng cũng như khu vực Tây Nguyên nói chung đang cho thấy sức hút hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, có nhiều lý do khiến Tây Nguyên trở thành “điểm sáng” trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn về thị trường vệ tinh. Ngoài tiềm năng vốn có về quỹ đất, hiện nay các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên đang ngày càng chú trọng tập trung xây dựng, đồng bộ hoá hạ tầng giao thông. Trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhiều tuyến cao tốc, quốc lộ quan trọng kết nối Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ như Quy Nhơn – Lệ Thanh; Phú Yên – Đắk Lắk; Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; Nha Trang – Liên Khương; Liên Khương – Buôn Ma Thuột…
Bên cạnh đó, Tây Nguyên cũng ngày càng ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, nhu cầu đất xây dựng đô thị của Tây Nguyên vào khoảng 33.470 ha. Đồng thời, năm 2030, toàn Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị với 28 đô thị hình thành mới.

Hạ tầng mở lối, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong lĩnh vực địa ốc như Vingroup, Trung Nguyên, T&T Group, Him Lam, Văn Phú, Ecopark… đã đến Tây Nguyên lập các dự án về đô thị, thương mại – dịch vụ, du lịch. Sự xuất hiện của những tổ hợp đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản, đáp ứng thị hiếu của đại bộ phận dân cư đã khiến thị trường BĐS Tây Nguyên trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Mặt khác, cùng với sự nở rộ của phong trào “bỏ phố về vườn” từ năm 2019, sau khi đại dịch Covid diễn ra, “gu” BĐS của nhiều người đã có những thay đổi đáng kể. Những yếu tố liên quan đến sức khỏe như môi trường, chỉ số không khí… được đề cao. Thay vì thành phố lớn hay trung tâm đô thị đông đúc, nhiều người sẵn sàng di chuyển xa hơn, tìm đến những vùng đất còn hoang sơ, được thiên nhiên ưu đãi để an cư lâu dài hoặc xây dựng “ngôi nhà thứ hai”. Đặc biệt, việc cho phép làm việc từ xa (work from home) ở những ngành nghề đang phát triển tại Việt Nam như Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa, Tiếp thị trực tuyến… cũng góp phần thay đổi “gu” chọn BĐS. Bởi lẽ một bộ phận nhân lực giờ đây có thể dễ dàng lựa chọn nơi sống theo ý thích và làm việc toàn cầu. Theo xu thế đó, Tây Nguyên đang là một trong những khu vực được gọi tên nhiều nhất.
BĐS Tây Nguyên: hấp dẫn nhưng cần “bỏ trứng đúng giỏ”
Ghi nhận thực tế, từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, nhiều nhà đầu tư ngoại tỉnh như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng… tìm đến Tây Nguyên mua bán, giao dịch đất đai khiến thị trường tăng nhiệt đáng kể. Thậm chí xảy ra hiện tượng “sốt nóng” cục bộ ở một số khu vực vùng ven tại tỉnh Đăk Lăk, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum)… Đất đấu giá, đất phân lô nền, đất trang trại, đất vườn rẫy đều có giao dịch gia tăng và bước giá nhảy vọt khiến chính quyền các địa phương phải chỉ đạo cấp tốc nhằm ngăn chặn tình trạng sốt ảo, phân lô tách thửa không đúng quy định.
Theo góc nhìn của các chuyên gia trong ngành, đầu tư vào những vùng đất đang ở chu kỳ đầu phát triển, được quy hoạch bài bản về hạ tầng, giao thông luôn là khoản đầu tư thông minh bởi tiềm năng tăng giá cao trong khi suất đầu tư ban đầu ở mức hợp lý. Do đó, cơ hội ở thị trường Tây Nguyên là rất lớn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chú trọng đến yếu tố an toàn và bền vững; ưu tiên các sản phẩm có quy hoạch rõ ràng, đảm bảo về pháp lý, có kế hoạch đầu tư dài hạn.

Được biết, giá đất tại khu vực vùng ven các tỉnh Tây Nguyên hiện nay vẫn còn rất “mềm”, là cơ hội cho nhà đầu tư với số vốn ít tham gia vào thị trường. Điển hình như giá đất tại các huyện vùng ven TP Đà Lạt dao động tầm 800 ngàn – 5 triệu/m2 dành cho đất không thổ cư, có sổ hồng, đường bê tông; đất thổ cư có giá dao động từ 5 – 15 triệu/m2.
Hay đơn cử như đất dự án Megacity Kon Tum tại trục đường Hùng Vương, huyện Đăk Hà, Kon Tum đang được chào bán với mức giá chỉ từ khoảng 2.5 – 3 triệu/m2 trong khi đã được quy hoạch đồng bộ, hoàn thiện, có sổ đỏ đầy đủ. Như vậy, chỉ với tài chính trên dưới 500 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể đi tắt đón đầu làn sóng đầu tư mới tại thị trường Tây Nguyên, nắm trong tay cơ hội an cư tuyệt vời cùng tiềm năng lợi nhuận to lớn.